chúng tôi cung cấp các gói dịch vụ đa dạng phù hợp với nhu cầu và ngân sách của bạn Hãy để chúng tôi biến ước mơ của bạn thành hiện thực, để mỗi kỷ niệm trở nên đáng nhớ và ý nghĩa.
Các tổ chức tại Trung Quốc đại lục
Năm 1993, Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công ở Bắc Kinh được chấp nhận là chi nhánh của Hiệp hội Nghiên cứu khí công Trung Quốc (HHNCKC), là một cơ quan nhà nước, giám sát việc quản lý các môn phái khí công khác nhau trên cả nước, và tài trợ các hoạt động và hội thảo. Theo các yêu cầu của HHNCKC, Pháp Luân Công được tổ chức thành một mạng lưới các trung tâm hỗ trợ trên toàn quốc, "các trạm chính", "các chi nhánh", "các trạm hướng dẫn" và các địa điểm tập luyện tại địa phương, phản ánh cấu trúc của cộng đồng khí công hoặc thậm chí là cấu trúc của chính Đảng Cộng sản.[99][109] Các phụ đạo viên Pháp Luân Công là những tình nguyện viên tự nguyện dạy các bài tập, tổ chức các sự kiện, và phổ biến những bài viết mới của Lý Hồng Chí. Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công đã đưa lời khuyên cho học viên về các kỹ thuật thiền định, các dịch vụ dịch thuật và điều phối cho việc tập luyện trên toàn quốc.[99]
Sau khi rời khỏi HHNCKC vào năm 1996, Pháp Luân Công bị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn và đã đáp lại bằng cách áp dụng cơ cấu tổ chức phân cấp và lỏng lẻo hơn.[95] Vào năm 1997, Hội nghiên cứu Pháp Luân Công chính thức bị giải thể, cùng với các "trạm phụ đạo chính" ở các khu vực.[110] Tuy nhiên, các học viên vẫn tiếp tục tự tổ chức ở các cấp địa phương, kết nối với nhau thông qua các phương tiện giao tiếp điện tử, các mạng lưới giữa các cá nhân và các điểm luyện công tập thể.[95][111] Cả các nguồn tin từ Pháp Luân Công và các nguồn tin của chính phủ Trung Quốc đều tuyên bố rằng có khoảng 1.900 "trạm hướng dẫn" và 28.263 điểm tập luyện Pháp Luân Công tại địa phương trên cả nước vào năm 1999, mặc dù họ không đồng ý về mức độ điều phối theo chiều dọc/từ trên xuống giữa các đơn vị tổ chức này.[112] Để đối phó với cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, Pháp Luân Công đã chuyển sang hoạt động bí mật, cấu trúc tổ chức phát triển theo hướng ngày càng phi hình thức ở Trung Quốc, và internet trở thành phương tiện ưu tiên dùng để kết nối các học viên.[113]
Sau năm 1999, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng miêu tả Pháp Luân Công như một tổ chức có thứ bậc và có gây quỹ. James Tong viết rằng chính phủ miêu tả Pháp Luân Công như một tổ chức có kết cấu chặt chẽ nhằm biện minh cho hành động tiêu diệt Pháp luân công của mình: "Càng chứng minh được Pháp Luân Công là một tổ chức nhiều chừng nào thì càng chứng tỏ tính đúng đắn của cuộc đàn áp của chế độ dưới danh nghĩa là duy trì trật tự xã hội nhiều chừng nấy".[114] Ông kết luận rằng những lời tuyên bố của Đảng thiếu "cả bằng chứng bên trong và bên ngoài để chứng minh", và mặc dù tiến hành bắt giữ và thẩm vấn, các nhà cầm quyền không bao giờ "phản bác các cáo buộc/Pháp Luân Công một cách đáng tin cậy".[115]
Tại Mỹ, Pháp Luân Công sở hữu khu nhà Dragon Springs, một khu đất rộng 400 mẫu Anh nằm ở Deerpark, New York. Người sáng lập và lãnh đạo Pháp Luân Công, Lý Hồng Chí, cũng sống ở gần khu nhà, cùng với hàng trăm học viên Pháp Luân Công. Các thành viên của đoàn ca nhạc Pháp Luân Công là Thần Vận cũng sống và tập luyện trong khu nhà, nơi cũng có trường học và đền thờ.[116] Khu Dragon Springs được đăng ký là một khu chùa Phật giáo, nên được miễn thuế và có sự riêng tư cao hơn. Học giả Andew Junker lưu ý rằng vào năm 2019, thành phố Middletown gần Dragon Springs chính là nơi đặt văn phòng của Tập đoàn truyền thông Pháp Luân Công The Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên), được đăng ký xuất bản như một ấn bản địa phương đặc biệt.[117]
Khu nhà từng là một điểm gây tranh cãi giữa các cư dân gốc và các học viên Pháp luân công. Theo NBC News:
Các cư dân gốc của chúng tôi và các học viên Pháp Luân Công đã nói chuyện với NBC News… họ nói rằng cuộc sống ở Dragon Springs bị Lý Hồng Chí kiểm soát chặt chẽ, truy cập internet bị hạn chế, nơi đó không khuyến khích sử dụng thuốc chữa bệnh và các mối quan hệ được sắp xếp chung. Hai cư dân trong khu có thị thực cho biết họ được đề nghị chỉ giao tiếp với cư dân Hoa Kỳ tại khu phức hợp.[116]
Được Pháp Luân Công mua lại vào năm 2000, địa điểm này đóng cửa với du khách và có cổng bảo vệ, đã là một điểm gây tranh cãi đối với một số cư dân ở Deer Park. Vào năm 2019, Pháp Luân Công đã yêu cầu mở rộng địa điểm, mong muốn xây thêm một phòng hòa nhạc 920 chỗ ngồi, một nhà để xe mới, một nhà máy xử lý nước thải và chuyển đổi không gian thiền thành không gian ở đủ lớn để nâng tổng sức chứa dân cư lên 500 người. Các kế hoạch này vấp phải sự phản đối của "Mạng lưới người gác sông Delaware" liên quan đến cơ sở xử lý nước thải vì nó đe dọa loại bỏ các vùng đất ngập nước địa phương, ảnh hưởng đến các tuyến đường thủy địa phương như Basher Kill và Sông Neversink. Cư dân địa phương phản đối việc mở rộng vì nó sẽ làm tăng giao thông và giảm tính chất nông thôn của khu vực. Các học viên Pháp Luân Công sống trong khu vực này đã tuyên bố rằng họ đã bị cư dân địa phương phân biệt đối xử.[118]
Sau khi đến thăm vào năm 2019, Junker lưu ý rằng "sự bí ẩn của Dragon Springs là rõ ràng, và là một nguồn gây căng thẳng cho thị trấn." Junker cho biết thêm, trang web của Dragon Springs tuyên bố quyền thăm viếng bị hạn chế là để bảo mật và khu phức hợp này đang chứa nhiều trẻ mồ côi và người tị nạn.[119]
Đại Kỷ Nguyên (giản thể: 大纪元, phồn thể: 大紀元, tên tiếng Anh: The Epoch Times), là một tờ báo đa ngôn ngữ và là tổ chức truyền thông quốc tế được John Tang và một nhóm các học viên Pháp Luân Công tại Mỹ thành lập vào tháng 5 năm 2000. Nó có trụ sở chính tại Thành phố New York và các tờ báo địa phương có những văn phòng tin tức và một mạng lưới các phóng viên địa phương.
Tờ báo này đã được một số học giả mô tả như là một cơ quan ngôn luận cho Pháp Luân Công,[120][121][122][123][124] kết nối và bày tỏ sự thông cảm đối với môn khí công này. Tuy vậy một phát ngôn viên của tờ báo nói rằng nó không phải là cơ quan ngôn luận của Pháp Luân Công.[125] Tờ báo duy trì lập trường biên tập chống chủ nghĩa cộng sản, bao gồm cả sự phản đối rõ ràng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.[18][120][126][127]
Đại Kỷ Nguyên được xác định là đã phát tán nhiều thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch COVID-19 trên báo in và qua các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm Facebook và YouTube.[128][129] Nó đã thúc đẩy các luận điệu chống chính phủ Trung Quốc và các thuyết âm mưu vô căn cứ xung quanh sự bùng phát của virus COVID-19. Người theo dõi thông tin sai lệch NewsGuard gọi trang Đại Kỷ Nguyên là một trong những nguồn "siêu phát tán" thông tin sai lệch về COVID-19 trên Facebook, ông trích dẫn một bài báo vô căn cứ của Đại Kỷ Nguyên cho rằng virus này được tạo ra một cách nhân tạo.[130][131] Đại Kỷ Nguyên còn phát tán một ấn bản đặc biệt dài 8 trang có tên "Đảng Cộng sản Trung Quốc nguy hiểm cho thế giới như thế nào", được phát hành bất hợp pháp vào tháng 4 năm 2020 cho khách hàng ở các khu vực của Hoa Kỳ, Canada và Úc, trong đó vu cáo chính phủ Trung Quốc đã cố ý tạo ra virus và phát tán nó.[132][133] Một bài báo trên tờ Đại Kỷ Nguyên vào ngày 17/2/2020, đã đăng tải một bản đồ sai sự thật về lượng khí sulfur dioxide thải ra từ các lò thiêu trong Đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, nhằm tuyên truyền rằng "14.000 người Trung Quốc đã chết vì dịch bệnh và lén lút bị hỏa thiêu".[134] Một kiểm tra thực tế của AFP đã khám phá ra rằng: bản đồ thực ra là một dự báo thời tiết của NASA đã bị Đại Kỷ Nguyên cắt dán khỏi ngữ cảnh ban đầu.[134]
Tờ báo có các chủ đề tập trung vào tin tức về Trung Quốc và các vấn đề có liên quan, nó cũng được biết đến vì những bài viết ủng hộ đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số chính trị gia cực hữu ở châu Âu; một báo cáo năm 2019 cho thấy nó là nhà tài trợ lớn thứ hai cho các quảng cáo ủng hộ Trump trên Facebook trong chiến dịch tranh cử.[17][135][136][137][138][139] Tờ báo này là một phần của Tập đoàn Truyền thông Epoch, cũng điều hành kênh Truyền hình Tân Đường nhân (NTD).[17] Các trang web tin tức mới và các kênh YouTube của nhóm cũng truyền bá các thuyết âm mưu như QAnon và tuyên truyền chống tiêm chủng.[17][66][140]
Vào ngày 20 tháng 12 năm 2019, The New York Times đưa tin rằng Facebook đã xóa "hàng trăm tài khoản có quan hệ với Tập đoàn truyền thông Đại Kỷ Nguyên (Epoch Media Group), công ty mẹ của ấn phẩm liên quan đến Pháp Luân Công". Theo đó, The Epoch Times bị phát hiện đã "sử dụng ảnh hồ sơ giả được tạo bằng trí tuệ nhân tạo" nhằm tạo ra hàng loạt tài khoản Facebook giả mạo để tuyên truyền chính trị. Giám đốc Phòng nghiên cứu pháp y kỹ thuật số Hội đồng Đại Tây Dương (DFRLab), Graham Brookie, tuyên bố rằng mạng lưới tài khoản giả mạo này cho thấy "một tương lai kỳ lạ của thông tin sai lệch, được kích hoạt bởi công nghệ". Người đứng đầu bộ phận chính sách bảo mật của Facebook, Nathaniel Gleicher, cho biết, "Điểm mới ở đây là một công ty truyền thông có trụ sở tại Hoa Kỳ đã lợi dụng các diễn viên nước ngoài đóng giả người Mỹ để thúc đẩy nội dung chính trị. Chúng tôi đã từng thấy điều này rất nhiều với các tổ chức nhà nước trước đây"[141][142]
Vào tháng 12 năm 2019, Wikipedia tiếng Anh đã xếp Đại Kỷ Nguyên vào danh mục "nguồn không đáng tin cậy" để sử dụng làm tài liệu tham khảo trong Wikipedia, và mô tả mô tả nó là "một nhóm vận động cho Pháp Luân Công, một nguồn nhiều thành kiến hoặc thường xuyên xuất bản các thuyết âm mưu"[143]
Vào thời điểm vụ trấn áp Pháp Luân công diễn ra vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, hầu hết các số liệu của chính phủ Trung Quốc cho biết số người tập Pháp Luân Công là từ 2 đến 3 triệu người,[111][144] mặc dù một số ấn phẩm vẫn duy trì con số ước tính là 40 triệu người.[99][145] Hầu hết các học viên Pháp Luân Công ước tính trong thời kỳ này tổng số học viên ở Trung Quốc là từ 70 đến 80 triệu.[34][99][146] Các nguồn tin khác đã ước tính số người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc đạt đỉnh điểm từ 10 đến 70 triệu người.[5][147] Các thành viên Pháp Luân công thì tuyên bố có 70 triệu người tập Pháp Luân Công trước khi xảy ra việc trấn áp[148][149][150][151][152]
Rất khó để xác định chính xác số người tập Pháp Luân Công vẫn đang tập luyện tại Trung Quốc ngày nay, mặc dù một số nguồn tin ước tính rằng hàng chục triệu người vẫn tiếp tục tập luyện bí mật.[12][153]
Các cuộc khảo sát nhân khẩu học được thực hiện ở Trung Quốc vào năm 1998 đã phát hiện ra một quần thể người tập chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi. Trong số 34.351 người thực hành Pháp Luân Công được khảo sát, 27% là nam giới và 73% là nữ giới. Chỉ có 38% dưới 50 tuổi.[154] Pháp Luân Công đã thu hút được một loạt các cá nhân khác, từ sinh viên trẻ đến các viên chức, trí thức và các quan chức Đảng.[155][156] Các cuộc khảo sát ở Trung Quốc từ những năm 1990 cho thấy có khoảng từ 23% - 40% số người thực hành có trình độ đại học có bằng cấp cao đẳng hoặc đại học - cao gấp nhiều lần so với dân số nói chung.[95]
Có hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người tập luyện Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc,[16] với các cộng đồng lớn nhất là ở các thành phố tại Đài Loan và Bắc Mỹ, nơi có quần thể người Hoa lớn, như thành phố New York và Toronto. Các cuộc nghiên cứu nhân khẩu học của Palmer và Ownby tại các cộng đồng này cho thấy 90% người thực hành là người Hoa. Tuổi trung bình là khoảng 40.[157] Trong số những người tham gia khảo sát, 56% là nữ và 44% nam; 80% đã lập gia đình. Các cuộc khảo sát cho thấy những người được hỏi có trình độ học vấn cao: 9% là tiến sĩ, 34% có bằng thạc sĩ, và 24% có bằng cử nhân.[157]
Những lý do phổ biến nhất cho việc bị thu hút bởi Pháp Luân Công được ghi nhận là nội hàm cao thâm, bộ bài tập tu luyện và các lợi ích sức khoẻ.[158] Các học viên Pháp Luân Công không phải người Hoa có xu hướng là những người "tìm kiếm giá trị tinh thần" - những người đã từng thử nhiều môn khí công, yoga, hoặc tu tập trước khi tìm đến Pháp Luân Công. Theo ông Richard Madsen, các nhà khoa học Trung Quốc có bằng tiến sĩ từ các trường đại học uy tín của Mỹ đang tập luyện Pháp Luân Công cho rằng vật lý học hiện đại (ví dụ lý thuyết siêu dây) và sinh học hiện đại (cụ thể là chức năng của tuyến tùng) cung cấp cơ sở khoa học cho niềm tin của họ. Theo quan điểm của họ, "Pháp Luân Công là tri thức chứ không phải là tôn giáo, một dạng khoa học mới chứ không phải là đức tin".[89]
Lý Hồng Chí giới thiệu Pháp Luân Công cho công chúng vào ngày 13 tháng 5 năm 1992, tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm.[26] Vài tháng sau, vào tháng 9 năm 1992, Pháp Luân Công đã được thừa nhận là một môn phái khí công dưới sự quản lý của Hội nghiên cứu khoa học Khí công Trung Quốc của nhà nước (HNKKT). Lý đã được công nhận là một bậc thầy khí công, và được phép dạy thực hành khí công của mình trên toàn quốc.[159] Giống như nhiều thầy khí công vào thời điểm đó, Lý đi du lịch vòng quanh các thành phố lớn ở Trung Quốc 1992-1994 để dạy thực hành Pháp Luân Công. Ông đã được trao tặng một số giải thưởng của các tổ chức chính phủ Trung Quốc.[26][88][160][161]
Theo David Ownby, Giáo sư Lịch sử và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Montréal, Lý Hồng Chí đã trở thành một "ngôi sao vụt sáng của phong trào khí công",[159] và Pháp Luân Công đã được chính phủ chấp nhận như là một phương tiện hiệu quả của việc giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy văn hóa Trung Quốc, và nâng cao đạo đức cộng đồng. Trong tháng 12 năm 1992, Lý và một số học viên Pháp Luân Công tham gia Hội chợ triển lãm y tế châu Á tại Bắc Kinh, nơi ông được báo cáo "đã nhận được khen ngợi nhiều nhất [so với các trường phái khí công khác] tại hội chợ, và đạt được kết quả điều trị rất tốt," theo Ban tổ chức của hội chợ[26] Sự kiện này đã khẳng định danh tiếng của Lý, và các báo cáo về công năng chữa bệnh của Pháp Luân Công trên báo chí bắt đầu lan rộng.[26][31] Năm 1993, một ấn phẩm của Bộ Công an Trung Quốc khen ngợi Lý Hồng Chí đã "phát huy đức tính chống tội phạm truyền thống của người Trung Quốc trong việc bảo vệ trật tự an ninh xã hội, và trong việc thúc đẩy sự ngay thẳng trong xã hội."[162]
Pháp Luân Công khác biệt so với các trường phái khí công khác ở chỗ nhấn mạnh vào đạo đức, chi phí thấp, và lợi ích cho sức khỏe. Nó nhanh chóng phát triển qua việc truyền miệng, thu hút một loạt các học viên đến từ tất cả các tầng lớp xã hội, bao gồm cả một số thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.[34]
Từ năm 1992 đến năm 1994, Lý có thu phí cho các cuộc hội thảo và bài giảng của ông trên khắp Trung Quốc, mặc dù chi phí ông lấy thấp hơn đáng kể so với các môn khí công cạnh tranh khác, và các Hiệp hội khí công địa phương nhận được một phần tiền đáng kể trích ra từ khoản thu này.[92] Lý giải thích lệ phí này như là cần thiết để trang trải chi phí đi lại và các chi phí khác, và trong một số trường hợp, ông đã tặng toàn bộ số tiền thu được cho từ thiện. Năm 1994, Lý ngừng thu phí hoàn toàn, sau đó quy định rằng Pháp Luân Công luôn luôn phải được dạy miễn phí, và sách vở giáo lý của Pháp Luân Công phải có sẵn miễn phí (bao gồm cả trực tuyến).[163] Mặc dù một số nhà quan sát tin rằng Lý tiếp tục có được thu nhập đáng kể thông qua việc bán sách Pháp Luân Công,[164] những người khác phản đối việc này, và chỉ ra rằng hầu hết các sách Pháp Luân Công đều là các bản sao lậu.[69]
Với việc xuất bản các sách Pháp Luân Công và Chuyển Pháp Luân, Lý đã khiến những bài giảng của mình trở nên dễ tiếp cận hơn nhiều. Sách Chuyển Pháp Luân, được công bố vào tháng 1 năm 1995 tại một buổi lễ được tổ chức tại hội trường của Bộ Công an, đã trở thành một trong các cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc khi đó[165][166]
Năm 1995, chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiếp cận Pháp Luân Công để củng cố cơ cấu tổ chức của nó và ràng buộc quan hệ của nó với các tổ chức Đảng và nhà nước.[95] Ủy ban quốc gia Thể thao Trung Quốc, Bộ Y tế Cộng đồng, và Hội nghiên cứu khoa học Khí công Trung Quốc (HNKKT) đã tìm gặp Lý để cùng nhau thành lập một hiệp hội Pháp Luân Công. Lý đã từ chối. Cùng năm đó, HNKKT ban hành một quy định mới buộc các tất cả các giáo phái khí công phải thành lập một chi nhánh Đảng bộ Đảng Cộng sản. Lý một lần nữa từ chối.[24]
Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Lý và HNKKT vào năm 1996. Trong khi đối mặt với sự phổ biến ngày càng tăng của Pháp Luân Công - phần lớn là do học phí thấp của nó - các giảng sư khí công khác cạnh tranh với Lý cáo buộc ông ta đã phá giá bài giảng. Theo Schechter, Hiệp hội khí công đã yêu cầu Lý tăng học phí, nhưng Lý đã nhấn mạnh nhu cầu các bài giảng của mình phải được cung cấp miễn phí.[92]
Trong tháng 3 năm 1996, do bất đồng gia tăng, Pháp Luân Công đã rút khỏi HNKKT, sau đó nó đã hoạt động không phụ thuộc vào một hiệp hội chính thức nào của nhà nước Trung Quốc. Đại diện của Pháp Luân Công đã cố gắng để đăng ký Pháp Luân Công với các cơ quan khác của chính phủ, nhưng đã bị từ chối.[167] Lý Hồng Chí và Pháp Luân Công kể từ đó đã đứng ngoài các mối quan hệ cá nhân và giao dịch tài chính với nhà nước, vốn là tiêu chí đảm bảo cho các thầy dạy khí công và các tổ chức khí công của họ có thể tìm được một chỗ đứng trong hệ thống nhà nước Trung Quốc, và được pháp luật nhà nước này bảo vệ.[168]
Việc Pháp Luân Công rút lui khỏi tổ chức HNKKT của nhà nước xảy ra đồng thời với một sự thay đổi lớn hơn trong thái độ của chính phủ đối với môn khí công. Khi những người chỉ trích khí công trong chính phủ ngày càng có ảnh hưởng nhiều hơn, chính quyền bắt đầu cố gắng kiềm chế sự phát triển và ảnh hưởng của các môn phái khí công, trong đó có một số môn phái đã có hàng chục triệu học viên.[26] Vào giữa những năm 1990, truyền thông nhà nước bắt đầu xuất bản các bài báo chỉ trích khí công.[24][26]
Ban đầu Pháp Luân Công được nhà nước bảo vệ không bị làn sóng chỉ trích tấn công, nhưng sau khi rút khỏi HNKKT vào tháng 3 năm 1996, Pháp Luân Công đã không được bảo vệ nữa. Vào ngày 17 tháng 6 năm 1996, Quang Minh nhật báo, một tờ báo nhà nước có ảnh hưởng lớn đã xuất bản một bài bút chiến chống lại Pháp Luân Công, trong đó Chuyển Pháp Luân, tác phẩm trung tâm của môn phái này, được mô tả như một ví dụ của sự "mê tín thời phong kiến"[26][169] Tác giả viết rằng lịch sử của nhân loại là một "cuộc đấu tranh giữa khoa học và mê tín dị đoan", và kêu gọi các nhà xuất bản Trung Quốc không in "sách giả khoa học của kẻ lừa đảo". Bài báo này đã được ít nhất hơn hai mươi tờ báo khác trên toàn Trung Quốc cùng hưởng ứng. Ngay sau đó, vào ngày 24 tháng 7, Ban Tuyên giáo Trung ương cấm tất cả các ấn phẩm sách của Pháp Luân Công (mặc dù lệnh cấm đã không được thực thi một cách nhất quán).[169] Hiệp hội Phật giáo do Nhà nước Trung Quốc quản lý cũng bắt đầu đưa ra những lời chỉ trích Pháp Luân Công, kêu gọi Phật tử không tham gia tập luyện nó.[170]
Các sự kiện xảy ra này là một thách thức quan trọng đối với học viên Pháp Luân Công, và các học viên của tổ chức này đã không hề xem nhẹ.[171] Hàng ngàn người theo Pháp Luân Công đã viết thư cho Quang Minh nhật báo và HNKKT, khiếu nại chống lại các biện pháp trừng phạt, tuyên bố rằng họ đã vi phạm chỉ thị "Ba không" của Hồ Diệu Bang về việc cấm các phương tiện truyền thông khuyến khích hoặc chỉ trích khí công.[169][172] Trong một động thái phản đối khác, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức các cuộc biểu tình hòa bình bên ngoài trụ sở cơ quan truyền thông địa phương hoặc cơ quan chính phủ để yêu cầu rút lại những bài báo đã viết về Pháp Luân Công mà họ coi là không công bằng. Lý Hồng Chí tuyên bố rằng phản ứng của các học viên đối với chỉ trích đã cho thấy cái tâm của họ và "sẽ loại bỏ các đệ tử giả mạo để giữ lại những đệ tử thật sự". Ông cũng nói rõ rằng việc công khai bảo vệ Pháp Luân Công là một hành động công chính và là một khía cạnh quan trọng của việc tu luyện Pháp Luân Công.[31]
Các cuộc bút chiến chống lại Pháp Luân Công là một phần của một phong trào lớn chống lại các tổ chức khí công bằng phương tiện truyền thông của nhà nước.[173] Mặc dù Pháp Luân Công không phải là mục tiêu duy nhất của những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông, cũng không phải là môn phái khí công duy nhất phản đối nhà nước, phản ứng của Pháp Luân Công là phản ứng có đông người tham gia nhất và kiên trì nhất.[87] Nhiều cuộc biểu tình của Pháp Luân Công chống lại việc mô tả tiêu cực về Pháp Luân Công trên các phương tiện thông tin đã thành công, kết quả là một số tờ báo đã rút lại một số bài báo chỉ trích môn phái này. Điều này góp phần củng cố niềm tin của các học viên rằng những chỉ trích truyền thông đối với Pháp Luân Công là sai hoặc phóng đại, và lập trường của họ là đúng đắn.[174]
Tháng 6 năm 1998, Hà Tộ Hưu, một nhà phê bình thẳng thắn môn khí công và một người bảo vệ chủ nghĩa Mác quyết liệt, xuất hiện trên một chương trình truyền hình ở Bắc Kinh công khai chỉ trích sự phi khoa học của khí công, và đề cập cụ thể đến Pháp Luân Công.[175] Các học viên Pháp Luân Công đã đáp trả bằng các cuộc biểu tình hòa bình và yêu cầu đài truyền hình xin lỗi. Các phóng viên chịu trách nhiệm về chương trình trên đã bị sa thải, và một chương trình truyền hình khen ngợi Pháp Luân Công đã được phát sóng vài ngày sau đó.[176][177] Các học viên Pháp Luân Công cũng tham gia biểu tình tại 14 cơ quan truyền thông khác.[176]
Trong năm 1997, Bộ Công an đã phát động một cuộc điều tra xem liệu Pháp Luân Công có nên được coi là tà giáo (邪教, xiejiao). Báo cáo đã kết luận rằng "không có bằng chứng nào cho đến thời điểm hiện tại".[178] Tuy nhiên, một năm sau đó, vào ngày 21 tháng 7 năm 1998, Bộ Công an đã ban hành văn bản số 555, "Thông báo về cuộc điều tra Pháp Luân Công". Tài liệu này khẳng định rằng Pháp Luân Công là một "tà giáo", và lệnh cho các cuộc điều tra khác cần được tiến hành để tìm kiếm bằng chứng hỗ trợ cho kết luận trên.[179] Các học viên Pháp Luân Công cho biết các đường dây điện thoại của họ bị ghi âm, nhà của họ bị lục soát và đột kích, và nơi tập luyện Pháp Luân Công bị nhân viên an ninh công cộng đến phá rối.[31]
Trong khoảng thời gian này, ngay cả khi những lời chỉ trích khí công và Pháp Luân Công tăng cao trong một số giới chức, Pháp Luân Công vẫn duy trì được sự ủng hộ của một số quan chức cao cấp trong chính phủ. Năm 1998, Kiều Thạch, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc mới về hưu khởi xướng cuộc điều tra riêng của cá nhân ông đối với Pháp Luân Công. Sau nhiều tháng điều tra, nhóm của ông đã kết luận rằng "Pháp Luân Công có hàng trăm lợi ích cho người dân Trung Quốc và nước Trung Quốc, và không có một tác động xấu nào."[180] Vào tháng 5 cùng năm, Ủy ban Thể thao quốc gia Trung Quốc đã phát động cuộc điều tra riêng của mình về Pháp Luân Công. Dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 12.000 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Quảng Đông,[24] Ủy ban nói rằng họ "khẳng định các bài tập và hiệu quả của Pháp Luân Công là tuyệt vời. Nó đã làm được rất nhiều việc nhằm cải thiện sự ổn định và đạo đức của xã hội."
Người sáng lập môn phái, Lý Hồng Chí, không có mặt tại Trung Quốc trong phần lớn giai đoạn gia tăng căng thẳng với chính phủ. Vào tháng 3 năm 1995, Lý đã rời Trung Quốc để đi dạy Pháp Luân Công ở Pháp và sau đó là các nước khác. Vào năm 1998, ông đã có được quyền thường trú tại Hoa Kỳ và không trở về Trung Quốc nữa.[24][31][181]
Đến năm 1999, Ủy ban Thể thao Nhà nước đã ước tính có khoảng 70 triệu người đã hoặc đang tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.[148][182] Một nhân viên giấu tên của Ủy ban Thể thao quốc gia của Trung Quốc, được trích dẫn trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí U.S. News & World Report lúc đó đã suy đoán rằng nếu 100 triệu người đã tập luyện Pháp Luân Công và các hình thức khí công khác thì chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ giảm đáng kể và "Thủ tướng Chu Dung Cơ rất hạnh phúc về điều này."[149]